Lọc gió động cơ ô tô là gì?
Lọc gió động cơ (air filter) thường được đặt trong khoang động cơ ô tô, ngay dưới nắp capo. Bộ phận này đóng vai trò như một “lá phổi” giúp lọc không khí, ngăn bụi bẩn và tạp chất đi vào buồng đốt động cơ.
Sau một thời gian hoạt động, bụi bẩn cùng các tạp chất sẽ bám vào màng lọc gió. Nếu không được vệ sinh hoặc thay thế định kỳ, chúng sẽ lấp đầy các lỗ thông khí, gây cản trở lượng không khí tiến vào khoang đốt động cơ. Từ đó, tỉ lệ hòa khí bị sai lệch làm giảm hiệu suất động cơ, gây nóng máy và sản sinh muội than trong buồng đốt.
Vai trò quan trọng của lọc gió động cơ
Sau khi tìm được lời giải đáp cho câu hỏi lọc gió ô tô là gì, hãy điểm qua những tác dụng quan trọng của bộ phận này.
Cải thiện chất lượng không khí
Tác dụng của lọc gió ô tô là lọc sạch không khí trước khi đi vào buồng đốt và hòa trộn với nhiên liệu. Nếu lọc gió luôn hoạt động ở trạng thái tốt, chất lượng và lưu lượng không khí sạch đi vào động cơ sẽ tăng lên. Nhờ đó mà hiệu suất của động cơ cũng được cải thiện đáng kể.
Kéo dài tuổi thọ của các chi tiết máy
Lượng không khí nếu không được làm sạch qua bộ lọc gió xe ô tô sẽ mang theo nhiều tạp chất tiến vào buồng đốt. Từ đó, chúng sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đốt cháy và làm giảm độ bền các chi tiết máy của động cơ.
Tối ưu khả năng tiết kiệm nhiên liệu
Bộ lọc gió động cơ ô tô được xem như “tuyến phòng thủ” chính giúp ngăn chặn tạp chất, bụi bẩn có hại trong không khí xâm nhập vào buống đốt. Những tạp chất này không chỉ làm giảm hiệu suất vận hành mà còn gây hao phí nhiên liệu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với những chiếc xe có lọc gió động cơ tốt, khả năng tiết kiệm nhiên liệu được cải thiện đến 14%.
Lưu ý khi sử dụng lọc gió động cơ
Tầm quan trọng của lọc gió động cơ đối với mọi chiếc xe hơi là điều không thể phủ nhận. Vì vậy, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra bộ phận này nhằm có chế độ vệ sinh và bảo dưỡng phù hợp.
Với khí hậu nóng ẩm cùng môi trường giao thông nhiều khói bụi ở nước ta, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh lọc gió động cơ sau mỗi 3.000 km. Bên cạnh đó, việc thay mới lọc gió còn phụ thuộc vào một số yếu tố như quãng đường đã di chuyển và môi trường xe hoạt động. Các chuyên gia khuyến cáo nên thay lọc gió mới sau 15.000 km. Tuy nhiên, con số này có thể rút ngắn nếu người lái thường xuyên chạy xe ở khu vực ô nhiễm, nhiều bụi, cát…
Khi vệ sinh bộ lọc gió, bạn hãy dựa vào chất liệu lọc gió để lựa chọn phương pháp vệ sinh bằng vòi xịt khí nén hoặc rửa trực tiếp bằng nước. Nếu chủ xe không tự tin có thể nhờ đến sự trợ giúp của các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng chuyên nghiệp.
Lọc gió động cơ có ý nghĩa quan trọng với hiệu suất vận hành của ô tô. Vì vậy, người dùng cần lưu ý kiểm tra, bảo dưỡng theo định kỳ. Bên cạnh đó, chủ xe nên sử dụng các loại lọc gió chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo độ bền cho các chi tiết máy và khả năng vận hành bình thường của động cơ.